Các cuộc nghiên cứu mới đã chứng minh những hóa chất thường xuất hiện trong đời sống hằng ngày có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú ở nữ giới đồng thời đưa ra biện pháp phòng tránh phơi nhiễm.
[Bảo vệ bản thân trước nguy cơ ung thư vú d]
Ảnh: Shutterstock
Báo cáo mới đăng trên chuyên san Environmental Health Perspectives đã liệt kê 17 hóa chất cần tránh và cung cấp những cách thức giúp phụ nữ phòng chống tình trạng phơi nhiễm trước chất sinh ung thư vú, từ đó giảm thiểu nguy cơ phát bệnh. Những chất sinh ung thư được liệt kê trong danh sách bao gồm các hóa chất trong xăng, dầu diesel và những loại khí thải xe cộ khác, chất chữa cháy, vải dệt chống ố, chất tẩy sơn, những phụ phẩm trong quá trình tiệt trùng nước uống.
“Cuộc nghiên cứu đã cung cấp một bản đồ lộ trình nhằm phòng chống ung thư vú, bằng cách xác định những hóa chất nguy cơ cao mà phụ nữ ngày nay thường xuyên bị phơi nhiễm và chỉ ra các cách đo mức độ nguy hiểm”, theo Fox News dẫn lời trưởng nhóm Ruthann Rudel, Giám đốc nghiên cứu của Viện Silent Spring. Bà cho hay thông tin trên đã giúp các chuyên gia vạch ra những biện pháp làm giảm tình trạng phơi nhiễm hóa chất sinh ung thư đồng thời hỗ trợ cuộc nghiên cứu về tác động của những loại hóa chất này đối với phụ nữ.
Một số nguồn chất sinh ung thư lớn nhất trong môi trường xung quanh là benzene và butadiene, có trong khói xe cộ, thiết bị làm vườn, khói thuốc lá và thực phẩm nướng bị khét. Các chất khác bao gồm dung môi tẩy rửa như methylene chloride, dược phẩm sử dụng trong liệu pháp thay thế hormone, một số chất dập lửa, hóa chất trên đồ dùng bếp không dính… Điều này có nghĩa là mỗi phụ nữ trong xã hội thời nay đều đối diện với tình trạng phơi nhiễm hóa chất có thể làm tăng nguy cơ phát ung thư vú. Không may là mối liên hệ giữa các hóa chất độc hại với ung thư vú thường bị bỏ quên, và báo cáo trên đã chứng minh nếu giảm được việc hít thở hoặc tiếp xúc các hóa chất đó có thể cứu sống nhiều phụ nữ.
Sau đây là những cách tránh phơi nhiễm hóa chất sinh ung thư vú theo đề nghị của các chuyên gia Mỹ:
– Hạn chế tối đa việc hít khí thải xe cộ hoặc máy phát điện, không nổ máy xe khi ngừng, sử dụng máy cắt cỏ bằng điện thay vì máy chạy bằng xăng.
– Sử dụng quạt thông khí trong lúc nấu nướng và không ăn những thực phẩm lỡ tay nướng cháy khét.
– Hạn chế dùng đồ nội thất làm từ nhựa tổng hợp dạng bọt cứng (PU cách nhiệt) hoặc sử dụng đồ trong nhà không được xử lý bằng chất chống cháy.
– Tránh dùng đồ nội thất, thảm, mền, vải vóc làm bằng chất liệu chống ố hoặc biến màu.
– Nếu giặt khô, dùng hóa chất tẩy rửa không chứa PERC (perchloroethylene) hoặc các dung môi khác nhưng nên giặt ướt.
– Sử dụng thiết bị lọc nước bằng than hoạt tính.
– Tránh hóa chất bên ngoài xâm nhập vào nhà bằng cách để giày ở cửa ra vào, dùng máy hút bụi với chức năng lọc không khí mạnh, lau nhà bằng khăn lau nhúng nước sạch.