Theo thống kê, từ khi mới sanh tới tuổi 39, cứ 231 người thì 1 người có thể mắc nan bệnh này. Từ 40-59 tuổi thì 1/25; từ 60-79 tuổi thì 1/15 người. Sống tới tuổi 90, thì cứ 7 cụ có một cụ có thể bị ung thư vú.
1- Có phải là ung thư vú chỉ xảy ra ở quý nữ lưu tuổi đã cao?
Không hẳn như vậy.
Đành rằng UTV thường thấy ở tuổi cao, nhưng cũng xảy ra ở tuổi mọi tuổi. Theo thống kê, từ khi mới sanh tới tuổi 39, cứ 231 người thì 1 người có thể mắc nan bệnh này. Từ 40-59 tuổi thì 1/25; từ 60-79 tuổi thì 1/15 người. Sống tới tuổi 90, thì cứ 7 cụ có một cụ có thể bị ung thư vú.
2- Nếu có rủi ro bị ung thư thì tôi sẽ bị bệnh này?
Thưa rằng có rủi ro cũng không 100% bị ung thư.
Thí dụ khi có gen di truyền ung thư là rủi ro lớn nhất, thì cũng chỉ 40-80% bị bệnh, còn 20-60% không bị.
3– Nếu không có thân nhân bị ung thư vú thì chắc là tôi cũng không bị bệnh này phải không?
Đây cũng là một hiểu nhầm vì ai cũng có thể bị ung thư vú. Có tới 80% phụ nữ bị ung thư dù thân nhân không ai bị ung thư này.
4- Chỉ có ung thư phía mẹ tôi mới có thể gây ung thư cho tôi phải không?
Cũng không hẳn vậy.
Ung thư ở phía cha cũng có thể đưa tới ung thư cho con cháu, vì khi sinh ra, ta mang ½ gen từ mẹ và ½ gen từ cha.
Tuy nhiên rủi ro từ phía người cha bị ung thư ít hơn là từ phía bà mẹ.
5- Có người nói cho con bú dễ bị ung thư vú. Vì vậy tôi chẳng cho con bú sữa mình đâu.
Đây là một ngộ nhận tai hại.
Có nhiều bằng chứng khoa học cho hay, thời gian cho con bú sữa mình càng lâu thì tỷ lệ ung thư vú càng giảm. Lý do là trong khi cho con bú, mức độ estrogen trong máu thấp do đó rủi ro ung thư vú giảm.
Ngoài ra, theo bác sĩ Patrick Schneider II, rủi ro gây ra ung thư noãn sào cũng giảm tới 60% khi mẹ cho con bú sữa mình, so với phụ nữ không có con.
Ấy là chưa kể sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá cho con. Và cho con bú sữa mình lại còn tăng gấp bội tình yêu thương giữa mẹ với con.
6- Bạn tôi nói là nếu vú mình nhỏ thì ít bị ung thư, đúng hay sai?
Chẳng hiểu bạn đó căn cứ vào đâu mà nói vậy.
Vú lớn hay nhỏ cũng có cùng thành phần cấu tạo là tế bào mỡ, tuyến sữa…Khác chăng là nhiều hay ít các thành phần này.
Dù ít nhiều thế nào, tế bào vú cũng chịu ảnh hưởng của các rủi ro gây ra ung thư vú như nhau.
Cho nên, đã là phụ nữ thì ai ai cũng có thể bị ung thư vú dù bộ phận này có như trái bưởi hoặc giống chiếc bánh bèo.
Và có vài chứng minh là vú to lại tăng rủi ro, vì có nhiều tế bào hơn.
7- Liệu nâng vú với chất silicone có gây ra ung thư cơ quan này không?
Silicone có thể gây ra sẹo trong tế bào vú hoặc một vài kích thích da vì silicon thoát ra ngoài chứ chưa có bằng chứng khoa học là silicone gây ra ung thư vú.
Nghiên cứu năm 2006 của Thụy Điển công bố trong tạp san Viện Ung Thu Hoa Kỳ cũng xác định sự thực này.
8- Có phải là ăn nhiều chất béo sẽ bị ung thư vú?
Đã có nhiều nghiên cứu cố gắng trả lời thắc mắc này, nhưng cho tới nay chưa có kết luận là tiêu thụ quá nhiều đưa tới ung thư.
Tuy nhiên phụ nữ mập phì ở tuổi mãn kinh có nhiều rủi ro hơn, vì những tảng mỡ ở vùng hông sẽ tăng sản xuất kích thích tố nữ estrogen. Mà cao estrogen có thể tăng rủi ro đưa tới ung thư vú.
9- Tự khám ung thư vú là phương thức hữu hiệu nhất để khám phá ung thư.
Không đúng như thế.
Chụp quang tuyến vú mammography là phương thức đáng tin cậy hơn để khám phá ra ung thư ở giai đoạn có thể chữa trị được. Khi ung thư tìm ra qua khám vú thì u đã lớn hơn là tìm ra bằng mammogram.
Theo thống kê, 25% ung thư vú do khám nhũ hoa tìm ra, 35% do làm mammogram. Phối hợp cả hai có 40% khả năng sớm tìm ra ung thư.
Vậy thì ta thực hiện cả hai phương pháp cho an toàn.
10- Nếu hàng năm tôi đều phải chụp quang tuyến nhũ hoa thì liệu tôi có bị ung thư vì tích tụ quá nhiều chất phóng xạ trong người không?
Chụp hình vú chỉ sử dụng một số lượng rất ít tia phóng xạ, tương đương với 2 giờ tiếp cận với ánh sáng mặt trời.
Hơn nữa trang bị máy móc, phòng ốc đều hết sức chu đáo để bảo vệ sức khỏe người cần chụp.
Vì vậy xin quý tỷ muội cứ an tâm đi chụp nhũ hoa hàng năm, cho đấng phu quân và con cái yên tâm.
11- Khi bị ung thư vú thì chắc là tôi sẽ đau đớn chết lần mòn với tàn phá của ung thư, với tác dụng phụ ghê gớm của thuốc men trị liệu hay sao?
Xin quý vị hãy bình tâm khi thấy có dấu hiệu ung thư vì khám phá ra sớm có rất nhiều hy vọng chữa lành. Y khoa học ngày nay tiến bộ lắm.
Điều đáng ngại là thấy một bất thường trên nhũ hoa mà “mũ ni che tai”, làm lơ chẳng chịu tiếp tục xét nghiệm, chẳng chịu gặp nhà chuyên môn để tham khảo ý kiến rồi điều trị ngay.
Còn tác dụng phụ thì có đấy, nhưng dưới sự hướng dẫn khôn khéo kinh nghiệm của bác sĩ, rủi do cũng giảm bớt.
Vả lại “thuốc đắng dã tật” mà.
12- Không còn nhũ hoa thì thân hình tôi đâu còn cân đối, hấp dẫn như xưa.
Quý tỷ muội chẳng phải e ngại ở điểm này. Phẫu thuật thẩm mỹ ngày nay “hiện đại” lắm. Ngay sau giải phẫu, các bàn tay chuyên môn có thể tái tạo tức thì cho quý tỷ muội một cặp nhũ hoa to đẹp hơn trước rất nhiều.
Hoặc vì lý do nào đó không đền bù phần đã mất đi thì quý tỷ muội cũng có thể mang những nhũ hoa nhân tạo bằng vật liệu mềm đẹp chẳng kém gì quà tặng của bà mụ.
13- Sau khi chữa ung thư tôi có con được không?
Theo nhiều nghiên cứu, vài năm sau khi giải phẫu mà không có dấu hiệu ung thư tái phát thì có thể có con với rất ít rủi ro.
Nhưng có ung thư mà mang thai thì sợ rằng kích thích tố sẽ khiến tế bào bất thường tăng sinh mạnh hơn.
Kết luận
Chẳng may bị ung thư vú là một bất hạnh nhưng không phải là một bản án tử hình khó tránh.
Mặc dù bệnh có thể gây tử vong cho một số người hoặc đưa đến những xúc động tâm lý xã hội sâu đậm, ảnh hưởng tới vai trò của người phụ nữ, nhưng Ung thư có thể trị dứt nếu khám phá ra sớm.
Rất nhiều tỷ muội bị ung thư được điều trị tức thì đều vui sống yêu đời cả mấy chục năm với chồng con mà không bị tái phát.
Một bằng chứng là người ca sĩ khả ái Ý Lan, mới đây bị ung thư vú và cô đã kiên tâm chữa trị. Bây giờ bệnh tình đã khỏi và cô lại vẫn tiếp tục gửi tới bà con khắp nơi giọng ca truyền cảm tuyệt vời của mình.
Cho nên tích cực trong đời sống hàng ngày, hiểu biết về các bệnh để phòng ngừa, áp dụng vài phương pháp tự khám, xét nghiệm là quý tỷ muội đã tránh được nguy cơ nan bệnh.
Các cụ ta vẫn nói “phòng bệnh hơn chữa bệnh” là vậy.
Bác Sĩ Nguyễn Ý Ðức
(Theo TVVN.org)