Tin tức

TÌM HIỂU VỀ HÓA TRỊ UNG THƯ

Tìm hiểu về hóa trị ung thư

1. Hóa trị liệu là gì?
Hóa trị liệu (còn được gọi là điều trị bằng hóa chất) là một vũ khí quan trọng để điều trị bệnh ung thư. Hóa trị liệu là dùng các thuốc diệt tế bào. Thuốc có tác dụng thông qua việc làm dừng hoặc làm chậm lại sự phân chia nhanh của các tế bào ung thư. Tuy nhiên thuốc cũng làm ảnh hưởng đến các tế bào lành, nhất là những cơ quan, bộ phận sinh sản nhanh như niêm mạc miệng, đường tiêu hóa hay lông, tóc, các tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu , tiểu cầu). Sự ảnh hưởng của thuốc đến các tế bào lành được thể hiện qua các tác dụng phụ không mong muốn như rụng tóc, tiêu chảy, viêm niêm mạc miệng, nhiễm khuẩn do giảm bạch cầu, chảy máu do hạ tiểu cầu… Thường thì những tác dụng phụ này sẽ hết khi kết thúc hóa trị liệu.

2. Khi nào bệnh nhân được hóa trị liệu?
Thường thì hóa trị liệu được kết hợp với phẫu trị, xạ trị và điều trị sinh học, hoặc đôi khi được chỉ định riêng lẻ. Bác sĩ chỉ định hóa trị liệu cho người bệnh vào những thời điểm khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và sự phối hợp với các phương pháp điều trị khác, cụ thể là:
Hóa trị liệu có thể làm khối u thu nhỏ, giúp phẫu trị hay xạ trị thực hiện dễ dàng hơn. Khi đó được gọi là hóa trị liệu tân bổ trợ.
Hóa trị liệu giúp diệt nốt các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu trị hay xạ trị. Khi đó được gọi là hóa trị liệu bổ trợ.
Hóa trị liệu giúp cho xạ trị hay các tác nhân sinh học đạt được hiệu quả cao hơn.
Hóa trị liệu giúp diệt các tế bào ung thư khi bệnh tái phát, lan tràn trong cơ thể (di căn).
Hóa trị liệu liều cao kết hợp ghép tế bào gốc

3. Dựa vào đâu để các bác sĩ chọn phác đồ (công thức) hóa trị liệu cho người bệnh?
Có nhiều công thức hóa trị liệu hay phương án điều trị được khuyến cáo sử dụng trên lâm sàng mang lại hiệu quả điều trị cho bệnh ung thư. Các bác sĩ thường xuyên tiếp cận với các thông tin, các phác đồ mới trên thế giới đều, có thể tham khảo để chỉ định cho bệnh nhân của mình. Các bác sĩ quan tâm đến nhiều điều nữa khi chọn công thức điều trị:
Hóa trị liệu mà người bệnh đã dùng trước đó, nhất là đối với những bệnh nhân tái phát.
Tình trạng sức khỏe của người bệnh, có mắc bệnh khác kèm theo như tiểu đường, bệnh tim mạch…. hay không?
Điều kiện đi lại, điều kiện kinh tế, chế độ chi trả của bảo hiểm y tế, các bảo hiểm khác… của người bệnh.

4. Hoá trị liệu được đưa vào cơ thể qua đường nào?
Có nhiều đường đưa hóa chất điều trị ung thư vào cơ thể:
Tiêm bắp
Động mạch: thuốc được đưa trực tiếp vào động mạch nuôi dưỡng khối u
Ổ bụng: các loại ung thư trong khoang bụng như ung thư đường tiêu hoá, ung thư buồng trứng, có tổn thương phúc mạc. Khi đó cần đưa thuốc vào ổ bụng để thuốc tiếp xúc trực tiếp với các tổn thương.
Tiêm truyền tĩnh mạch là đường hay được sử dụng nhất.
Uống: thuốc thường có dạng viên.
Bôi tại chỗ: thuốc được làm dưới dạng kem bôi.

5. Bao lâu người bệnh cần được hoá trị liệu một lần?
Thường thực hiện hoá trị liệu theo từng chu kỳ. Mỗi chu kỳ có thể kéo dài từ một đến vài ngày, cũng có khi kéo dài đến vài tuần…tuỳ thuộc vào loại bệnh ung thư, công thức hoá trị và sức khoẻ của bệnh nhân. Thường thì hoá trị được thực hiện với nhiều chu kỳ, giữa các chu kỳ sẽ có khoảng nghỉ, mục đích là để cơ thể người bệnh phục hồi, số lượng các tế bào máu trở về bình thường. Khoảng nghỉ này có thể từ một đến vài tuần. Người bệnh nên tuân thủ theo đúng hẹn của bác sĩ. Tuỳ theo bệnh và mục đích điều trị, bác sĩ sẽ quyết định số chu kỳ cần thực hiện. Bệnh nhân không được bỏ dở điều trị hoặc đến không đúng hẹn vì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều trị.

6. Người bệnh có cảm giác thế nào trong lúc hoá trị liệu?
Mỗi người sẽ có một cảm giác khác nhau, tuỳ thuộc vào giai đoạn bệnh, sức khoẻ của người bệnh trước khi làm hoá trị liệu, công thức hoá trị liệu và liều lượng thuốc. Trong lúc hoá trị liệu, hầu hết mọi bệnh nhân đều cảm thấy mệt mỏi, chán ăn… Vì vậy mỗi người hãy tự sắp xếp cho mình kế hoạch đi lại, ăn uống và nghỉ ngơi sao cho phù hợp.

7. Người bệnh có thể làm việc trong lúc hoá trị liệu được không?
Điều này hoàn toàn tuỳ thuộc vào sức khoẻ và công việc của bệnh nhân. Tốt nhất là nên giảm bớt khối lượng công việc, giành thời gian nhiều hơn cho nghỉ ngơi. Trong thời gian hoá trị liệu, các bác sĩ thường hay khuyên người bệnh tránh tiếp xúc với chỗ đông người để đề phòng lây nhiễm vi rút, vi khuẩn vì lúc này sức đề kháng của cơ thể bạn không được tốt. Nên thường xuyên rửa tay, giữ vệ sinh ăn uống và uống đủ nước.

8. Người bệnh có thể uống các loại thuốc khác như thuốc kháng sinh, nhuận tràng, thuốc cảm cúm…trong lúc đang hoá trị liệu được không?
Hoàn toàn có thể được nhưng cần tuân theo chỉ định của bác sĩ. Việc dùng thêm các vitamin, các thực phẩm chức năng, thực phẩm ăn kiêng cũng cần lưu ý vì có một số loại vitamin và thực phẩm có thể gây ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả của thuốc. Khi định dùng thêm bất cứ loại thuốc hay thực phẩm bổ sung nào cũng nên thông báo và hỏi ý kiến bác sĩ đang điều trị hoá chất cho mình để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị.

9. Làm thế nào để biết được hoá trị liệu đang có hiệu quả?
Bác sĩ sẽ dựa vào việc thăm khám lâm sàng, kết quả một số xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính…để đánh giá mức độ đáp ứng của người bệnh. Không bao giờ dựa vào biểu hiện của tác dụng phụ để suy đoán hiệu quả của thuốc. Nhiều người có quan niệm sai rằng càng có nhiều tác dụng phụ thì chứng tỏ thuốc càng có hiệu quả, người bệnh nào không có tác dụng phụ là thuốc không có tác dụng.
Thông tin bổ sung (Dịch từ nguồn : « Understanding Chemotherapy : A guide for patients and their families » của American Cancer Society)

10. Các thắc mắc liên quan đến tác dụng phụ của hóa trị liệu
Các tác dụng phụ thường gặp khi điều trị hóa trị?
Trước khi bắt đầu hóa trị liệu, ai cũng băn khoăn về các tác dụng phụ, Những tác dụng phụ phổ biến nhất của điều trị hóa trị bao gồm:
Buồn nôn và nôn
Rụng tóc
Mệt mỏi
Hay bị bầm tím và chảy máu
Thiếu máu
Nhiễm trùng
Hóa trị liệu sẽ ảnh hưởng đến cơ thể người bệnh như thế nào?
Các rắc rối ở đường tiêu hóa
Thay đổi về cân nặng và chán ăn
Đau miệng, lợi và họng
Các rắc rối về dây thần kinh và cơ bắp
Khô da
Khó chịu ở thận và bàng quang

Nguồn: ungbuou.vn Website chính thức của Viện Nghiên Cứu Phòng Chống Ung Thư – Bệnh viện K

TÌM HIỂU VỀ HÓA TRỊ UNG THƯ
Quảng cáo

Đối tác khách hàng

Đăng ký nhận tin

Vui lòng đăng ký nhận tin để biết thêm thông tin quảng cáo và quà tặng