Ngày 5/6, các nhà nghiên cứu tại Mỹ cho biết, phụ nữ mãn kinh dùng một số loại thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp thường xuyên trong vòng 10 năm hoặc hơn, sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn gấp 2 lần
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) cho biết những phụ nữ dùng thuốc ngăn chặn sự vôi hóa mạch máu CCB (calcium channel blocker) sẽ gia tăng nguy cơ bị ung thư vú từ 2,4 -2,6 lần. Trong khi đó, các loại thuốc hạ huyết áp khác như thuốc ngăn giao cảm beta, thuốc ức chế men chuyển dạng angiotensin4 … lại không liên quan đến nguy cơ gia tăng bệnh ung thư vú.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét nguy cơ trên một nhóm phụ nữ tuổi từ 55 đến 74, tại bang miền tây Washington. Kết quả cho thấy 880 người bị ung thư vú ống động mạch xâm lấn, 1.027 trường hợp bị ung thư vú tiểu thùy xâm lấn và 856 người không mắc bệnh. Sử dụng thuốc ngăn chặn sự vôi hóa mạch máu thường xuyên trong10 năm sẽ gia tăng nguy cơ ung thư vú động mạch xâm lấn tới 2,4 lần, và 2,6 bệnh ung thư vú tiểu thùy.
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên quan sát và không đưa ra các lý do đằng sau sự gia tăng này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết những phát hiện này rất có ý nghĩa trong lĩnh vực y tế: “Đã có một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ tích cực giữa CCB và bệnh ung thư vú, nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên kết luận việc sử dụng loại thuốc này trong thời gian dài sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh”.
JAMA cũng cho biết CCB là một trong 9 loại thuốc được sử dụng nhiều nhất tại Mỹ trong năm 2009 với hơn 90 triệu đơn thuốc sử dụng. CCB có tác dụng ngăn chặn sự hấp thu canxi để tránh vôi hóa mạch máu cho tim và động mạch, đồng thời làm các mạch máu mở rộng hơn và làm nhịp tim chậm lại.
“Nếu nguy cơ mắc bệnh tăng từ 2 đến 3 lần được xác nhận, việc sử dụng CCB lâu dài sẽ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh ung thư vú – một trong những căn bệnh phổ biến và đáng lo ngại nhất ở phụ nữ trên toàn thế giới”. Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, cứ 8 người thì sẽ có một người sẽ mắc phải căn bệnh này trong cuộc đời. Và đó chính là sự 2 mặt của một viên thuốc, chữa được bệnh này hóa ra lại chính là nguyên nhân của bệnh khác.