Tin tức

Ung thư vú – Những điều cần biết

Ở Việt Nam, ung thư vú là bệnh phụ nữ hay gặp nhất trong các loại ung thư và có tới 50% người bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn. Khi thấy vóc dáng vú thay đổi, xuất hiện khối u… bạn cần đến ngay bệnh viện để thăm khám.

[BCC24]

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị ung thư vú

Tất cả mọi người đều có nguy cơ bị ung thư vú, nhưng đặc biệt là ở những trường hợp sau: Phụ nữ trên 50 tuổi hay những người từng bị ung thư một bên vú; Những phụ nữ có kinh nguyệt trước tuổi 12, mãn kinh sau tuổi 50, chưa bao giờ có con hoặc có con sau tuổi 30.

Phụ nữ bị béo phì sau tuổi mãn kinh và thường xuyên ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo, uống rượu, hút thuốc lá, tiếp xúc với hoá chất diệt sâu bọ… sẽ có nguy cơ cao bị ung thư vú. Ngoài ra, nếu trong gia đình có người mắc bệnh thì con cái có thể bị di truyền…

Dấu hiệu của bệnh

Ở giai đoạn đầu, ung thư vú hầu như không có triệu chứng rõ rệt, tuy nhiên, khi thấy một trong những dấu hiệu sau bạn nên đến bệnh viện khám càng sớm càng tốt.

– Núm vú bị đau, loét hoặc có nước, dịch chảy ra.

– Xuất hiện bướu, khối u ở vú, ở vùng nách và khối u này thường không đau.

– Vóc dáng vú thay đổi, núm vú lõm vào bên trong, da nhăn và sần.

Ở giai đoạn ung thư muộn, vú bị teo cứng lại hoặc phình ra biến dạng, lở loét. Tuy nhiên, một số bệnh khác ở vú cũng có thể gây ra các triệu chứng kể trên, như nang vú, tiết dịch, bọc sữa… do đó khi có những dấu hiệu này, không nên khủng hoảng nhưng vẫn cần đi khám ngay để xác định có phải ung thư không để được điều trị sớm nhất. Vì nếu ở giai đoạn muộn, việc điều trị rất khó khăn và kém hiệu quả.

Phòng bệnh như thế nào?

Tự theo dõi và khám sức khỏe định kỳ là cách phòng ngừa bệnh hữu hiệu nhất. Khi thấy khối u hay bất cứ sự thay đổi nào của vú, bạn nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết.

Để giảm nguy cơ bị ung thư vú, nên tập thể dục mỗi ngày và có chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Hãy loại bớt mỡ ra khỏi khẩu phần ăn bằng cách chọn các món hấp, luộc thay thế cho các món rán, xào và ăn nhiều rau quả tươi có chứa nhiều chất xơ và sinh tố A, C.

Tránh chiếu tia xạ vào vú, giảm tiếp xúc với khói thuốc lá và không uống rượu. Quá béo cũng có nguy cơ bị ung thư vú, do vậy, cần phải duy trì cân nặng phù hợp với chiều cao.

Cho con bú cũng là biện pháp ngừa ung thư vú. Ngoài ra, cần mặc áo ngực đúng cỡ và không nên mặc quá 10 tiếng/ngày để giữ gìn vóc dáng và sức khoẻ bộ ngực. Giữ thời gian biểu kiểm tra vú đúng định kỳ…

Cách tự khám vú

Ung thu vú có thể ngăn chặn và điều trị có kết qủa cao nếu phát hiện sớm. Một trong những cách phát hiện sớm thường được bác sĩ khuyên nên thực hiện là tự khám mỗi tháng một lần. Bạn có thể tự khám vú theo 4 bước dưới đây:

Bước 1: Đứng trước gương, hai tay xuôi theo người. Nhìn ngực xem có sự thay đổi nào về hình dáng hay kích thước không? Lặp lại bước này trong tư thế hai tay để sau gáy.

Bước 2: Chống hai tay lên hông, nhìn kỹ ngực từ các góc độ khác nhau xem có sự thay đổi nào không, sau đó, đặt một tay lên sau gáy, tay kia vặn và siết nhẹ đầu vú xem có dấu hiệu rỉ dịch hay chảy máu không.

Bước 3: Nằm ngửa, đặt gối mỏng dưới vai trái, đưa tay trái ra sau gáy và dùng tay phải khám ngực trái. Dùng các ngón tay ép sát tuyến vú vào thành sườn, đẩy lên đẩy xuống, bắt đầu phần trên rồi đến phần dưới của vú kiểm tra xem có khối u hoặc mảng dày hay bất thường nào khác không. Sau đó, lặp lại bước này, dùng tay trái khám vú phải.

Bước 4:Chụm các đầu ngón tay, dùng phần mềm đầu ngón tay miết, tìm xem có hạch ở vú hay hõm nách không?

Thời gian tự khám vú tốt nhất là sau khi sạch kinh nguyệt 5 ngày. Từ 20 tuổi trở lên, phụ nữ nên tự khám vú định kỳ mỗi tháng một lần và đến bác sĩ chuyên khoa khám vú mỗi năm một lần.

Ung thư vú – Những điều cần biết
Quảng cáo

Đối tác khách hàng

Đăng ký nhận tin

Vui lòng đăng ký nhận tin để biết thêm thông tin quảng cáo và quà tặng